VietPhatGroup tham gia Sinh hoạt chuyên đề An toàn trên không gian mạng năm 2025

13/01/2025
Chiều ngày 06/01/2025, tại thành phố Thủ Dầu Một, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề An toàn trên không gian mạng.

Tham dự sinh hoạt chuyên đề có Ông Nguyễn Trọng Ngân – Trưởng phòng Chuyển đổi số - Bưu chính – Viễn thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương; Ông Đỗ Bá Hùng – Trưởng ban đối ngoại – Hội Tin học Bình Dương; cô Diệp Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng Nhà trường, các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh.

Hiện nay, không gian mạng đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em và thanh thiếu niên tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà Internet mang lại, môi trường này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, đặc biệt là các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và nguy hiểm.

 

 

Các đại biểu và thầy cô giáo dự buổi sinh hoạt chuyên đề

 

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25% dân số, và 2/3 trong số này thường xuyên sử dụng Internet. Độ tuổi sử dụng Internet phổ biến nhất là từ 14-15 tuổi, tiếp theo là 12-13 tuổi. Trẻ em thường truy cập Internet để học tập, giải trí, kết bạn, mua sắm và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, các em đang sở hữu điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới, nhưng lại thiếu sự bảo vệ cần thiết trên không gian mạng. Điều này khiến các em dễ dàng trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo.

 

 

Ông Nguyễn Trọng Ngân – Trưởng phòng Chuyển đổi số - Bưu chính – Viễn thông
cung cấp các nội dung liên quan đến các em học sinh

 

Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề, các học sinh đã được cung cấp các nội dung liên quan đến các hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng hiện nay bao như: Kẻ gian giả danh cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát hoặc tòa án, gọi điện thông báo rằng nạn nhân có liên quan đến các vụ án và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để "phục vụ điều tra"; Các đối tượng lừa đảo thường gửi tin nhắn thông báo nạn nhân trúng thưởng tài sản giá trị lớn như xe máy, tiền mặt, hoặc quà tặng, sau đó yêu cầu nộp tiền để làm thủ tục nhận thưởng; Một thủ đoạn khác là gửi các đường link giả mạo qua tin nhắn hoặc email, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu hoặc mã OTP, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản; Kẻ gian lợi dụng lòng tham của nạn nhân bằng cách hứa hẹn lợi nhuận cao từ các hình thức đầu tư tài chính hoặc kinh doanh trực tuyến, nhưng thực chất là chiêu trò chiếm đoạt toàn bộ số tiền đầu tư. Ngoài ra, trên mạng xã hội, các đối tượng thường chiếm đoạt hoặc tạo tài khoản giả mạo trên Facebook, Zalo để nhắn tin mượn tiền từ bạn bè, người thân của nạn nhân. Một thủ đoạn khác là cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của nạn nhân, sau đó yêu cầu trả lại cùng với lãi suất cao, đồng thời khủng bố tinh thần nếu không trả tiền….

 

 

Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề

 

Thông qua phần báo cáo, với cách truyền đạt dễ hiểu, gần gũi, các kiến thức liên quan đến mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của các em. Sau buổi báo cáo, các em đặt ra nhiều câu hỏi mà nhiều em đang gặp phải. Tất cả đều được các báo cáo viên giải đáp cụ thể để các em dễ hình dung, từ đó chọn cách sử dụng mạng xã hội sao cho phù hợp, tránh hiểu sai quan điểm và bị lừa gạt từ những kẻ xấu trên các nền tảng mạng xã hội cũng như trong cuộc sống hàng ngày của các em.

 

Theo nguồn Sở TT&TT Tỉnh Bình Dương